ĐỒNG CHÍ LÊ HỒNG PHONG - TẤM GƯƠNG TRỌN ĐỜI CỐNG HIẾN CHO SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG

Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong (1902 -2022), Thư viện Hà Nội trân trọng giới thiệu Bộ sưu tập số "Đồng chí Lê Hồng Phong – Tấm gương trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng" tới bạn đọc !

Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại xã Thông Lạng (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nông dân. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê có truyền thống yêu nước, chứng kiến cảnh đất nước lầm than, nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột, Lê Hồng Phong đã sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng.

Cuối năm 1923, Lê Hồng Phong bí mật sang Xiêm (Thái Lan) gặp các nhà yêu nước Việt Nam. Năm 1924, sang Quảng Châu (Trung Quốc) sau đó gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người giác ngộ cách mạng.

Năm 1925, Lê Hồng Phong gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và tham dự lớp huấn luyện do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức, trở thành một trong những cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam.

Tháng 11/1931, theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong được phân công trở về nước lãnh đạo việc khôi phục, phát triển tổ chức Đảng, đưa cách mạng Đông Dương vượt qua giai đoạn khó khăn, hiểm nghèo.

Đầu năm 1932, đồng chí Lê Hồng Phong liên lạc với các đồng chí tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc) và xây dựng lại hệ thống tổ chức của Đảng. Tháng 6/1932, Lê Hồng Phong cho công bố bản Chương trình hành động của Đảng do đồng chí tham gia khởi thảo và được Quốc tế Cộng sản thông qua.

Tháng 3/1934, đồng chí Lê Hồng Phong làm Bí thư Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài (còn gọi là Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng), chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Đại hội lần thứ I của Đảng.

Tháng 3/1935, Đại hội lần thứ I của Đảng đã diễn ra thành công, đồng chí Lê Hồng Phong (được bầu vắng mặt) làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tháng 11/1937, đồng chí Lê Hồng Phong về nước và bí mật hoạt động tại Sài Gòn, trực tiếp cùng Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng trong tình hình mới.

Ngày 22/6/1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt tại Chợ Lớn, kết án 6 tháng tù giam và 3 năm quản thúc tại quê nhà Nghệ An. Ngày 20/01/1940, mật thám Nam Kỳ ra Nghệ An bắt đồng chí lần thứ hai và áp giải vào giam giữ tại Khám lớn Sài Gòn; cuối năm 1940, đồng chí bị đày ra Côn Đảo. Trước sự tra tấn dã man của kẻ thù, đồng chí vẫn nêu cao chí khí cách mạng, tích cực vận động và chỉ đạo anh em tù đấu tranh chống địch đánh đập, chống lại những luật lệ hà khắc của nhà tù. Do đòn thù và bệnh tật, sức khỏe dần suy kiệt, đồng chí đã vĩnh biệt chúng ta vào trưa ngày 06/9/1942. Trước lúc đi xa, đồng chí Lê Hồng Phong còn căn dặn: "Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin thắng lợi vẻ vang của cách mạng".

THƯ VIỆN HÀ NỘI

Địa chỉ: Số 47 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam

Điện thoại: (024).38254817; Fax: (024).39369100

Email: thuvien_sovhtt@hanoi.gov.vn

Copyright © 2022

Top